Bên cạnh phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da là một phương pháp điều trị ngoại khoa ít xâm lấn được bác sĩ ưu tiên trong điều trị sỏi thận. Dù là phương pháp điều trị làm giảm mức độ tổn thương thận so với phẫu thuật mở, tuy nhiên tán sỏi qua da vẫn tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

 

1. Tán sỏi qua da là gì?

Tán sỏi qua da (TSQD) được áp dụng từ những năm 1970-1980, trong giai đoạn này các chỉ định của TSQD bị thu hẹp do sự phát triển của biện pháp tán sỏi được đưa vào điều trị sỏi thận. Nhờ sự phát triển và cải tiến kỹ thuật tán sỏi, hiện nay TSQD được hiện thường quy và dần thay thế vai trò của phẫu thuật mở trong điều trị sỏi thận, đồng thời khắc phục những nhược điểm của tán sỏi ngoài cơ thể.

Tán sỏi qua da là biện pháp ít xâm lấn, sỏi thận được lấy ra ngoài thông qua một đường hầm nhỏ từ thận ra ngoài. Việc lựa chọn đường chọc phụ thuộc vào vị trí của sỏi. Thông thường các bác sĩ sẽ lựa chọn đường chọc vào đài dưới, đài giữa để lấy sỏi ở bể thận, sỏi đài dưới và đài giữa thậm chí cả sỏi đài trên của thận. Nhờ đó mà TSQD có thể loại bỏ được sỏi ở những vị trí khó như đài dưới, đài trên thận. Sau khi tạo một đường hầm vào thận, bác sĩ sẽ dùng các thiết bị chuyên dụng để gắp sỏi ra ngoài với những viên sỏi kích thước nhỏ. Đối với các viên sỏi lớn, phức tạp, bác sĩ có thể dùng đầu tán sỏi bằng sóng âm hoặc laser để làm vỡ tạo thành viên sỏi nhỏ hơn, rồi gắp ra ngoài qua đường hầm. Chính nhờ sự cải tiến này mà TSQD làm giảm tỷ lệ sót lại sỏi sau tán so với tán sỏi ngoài cơ thể, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.

 Xem thêm:

Ưu nhược điểm của các phương pháp tán sỏi hiện nay

 

2. Khi nào cần tán sỏi qua da?

Tán sỏi qua da ngày càng được chỉ định phổ biến hơn, từ sỏi đơn giản đến sỏi phức tạp và sỏi san hô. TSQD được chỉ định trong các trường hợp sỏi như sau:
+ Sỏi thận dạng san hô và bán san hô.

+ Sỏi có kích thước lớn hơn 20 - 25mm, diện tích bề mặt sỏi > 500mm2. 

+ Sỏi đài dưới có kích thước 2cm - 3cm. 

+ Sỏi thận có các bệnh kết hợp:

  • Tắc nghẽn niệu quản trên.

  • Tắc nghẽn khúc nối niệu quản - bể thận.

  • Tắc nghẽn cổ đài thận.

Ngoài ra, TSQD cũng được chỉ định trong một số trường hợp sỏi thận có dị tật đường tiết niệu khác.

Là biện pháp điều trị cho hiệu quả cao, ít xâm lấn nhưng TSQD không phải có thể dùng cho mọi trường hợp. Một số trường hợp không được hoặc khuyến cáo không nên tán sỏi qua da như: Rối loạn đông máu, Vôi hóa động mạch chủ, phình động mạch thận;...

 

Mặt khác, với các trường hợp sỏi nhỏ (<15mm), sỏi chưa gây biến chứng nghiêm trọng, người bệnh nên sử dụng các biện pháp điều trị nội khoa trước khi nghĩ đến can thiệp ngoại khoa, vừa an toàn vừa tiết kiệm. Ví dụ như: thay đổi chế độ ăn uống; uống nhiều nước; dùng thuốc tan sỏi và tống sỏi; thuốc đông y điều trị sỏi;...

 

3. Các biến chứng có thể gặp sau tán sỏi qua da

Tán sỏi qua da có tỷ lệ làm sạch sỏi cao hơn tán sỏi ngoài cơ thể và  ít gây xâm lấn hơn phẫu thuật mở. Tuy nhiên, tán sỏi qua da vẫn gây tổn thương ít nhiều đến thận và toàn cơ thể. Một số biến chứng thường gặp  từ mức độ đơn giản đến nghiêm trọng sau TSQD như:

+ Chảy máu sau phẫu thuật

Chảy máu là biến chứng phố biến, có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân mất máu nhiều có thể cần phải truyền máu. Tỷ lệ chảy máu trong phẫu thuật phải truyền máu khoảng 5 - 18%, một số ít trong đó, nếu không cầm máu được có thể phải can thiệp thuyên tắc mạch hoặc thậm chí cắt thận.

+ Nhiễm khuẩn sau tán sỏi

Đây cũng là một trong các biến chứng rất thường gặp khi can thiệp ngoại khoa trong điều trj sỏi thận. Sốt sau TSQD là dấu hiệu cảnh báo nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn trong lấy sỏi qua da thường gặp ở những bệnh nhân có sỏi nhiễm khuẩn.

+ Sót sỏi sau TSQD

+ Các biến chứng khác

  • Rò nước tiểu kéo dài

  • Thoát thuốc cản quang ra ngoài trong phẫu thuật

 Xem thêm:
Chăm sóc người bệnh sau tán sỏi

Tán sỏi qua da là phương pháp điều trị ngoại khoa hiệu quả trong điều trị sỏi thận. Tán sỏi qua da yêu cầu cơ sở vật chất, kỹ thuật cao khi thực hiện. Do đó, nếu có ý định can thiệp TSQD bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn và lựa chọn bệnh viện đảm bảo chuyên môn và trang thiết bị để thực hiện.