Viêm đường tiết niệu là một trong các biến chứng thường gặp khi bị sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo). Bệnh còn được gọi là sỏi thận tiết niệu nhiễm trùng.

 

1. Tại sao sỏi đường tiết niệu lại gây viêm?

Viêm đường tiết niệu là tình trạng vi khuẩn phát triển với số lượng lớn, gây tổn thương, viêm đường tiết niệu. Có đến 60% các trường hợp sỏi thận (niệu quản, bàng quang) bị viêm đường tiết niệu. Tỷ lệ này có thể lên đến 70%-80% ở người già hoặc người bệnh có dị vật đường tiết niệu.

Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu gồm nguyên nhân tại chỗ hoặc nguyên nhân toàn thể:

+ Nguyên nhân tại chỗ: Yếu tố thuận lợi cho tắc nghẽn nước tiểu.  

  • Do bẩm sinh: Trào ngược bàng quang - niệu quản, bệnh lý chỗ nối bể thận - niệu quản, túi thừa hệ tiết niệu, thận móng ngựa, đa nang…  

  • Do mắc phải: Chít hẹp đài thận, hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt, bệnh lý cổ bàng quang… 

+ Nguyên nhân toàn thể: Do các rối loạn chuyển hóa gây ra sỏi calci, sỏi uric, sỏi oxalat, sỏi cystin. Một số trường hợp do nguyên nhân di truyền. 

+ Do vi khuẩn: Nhiễm khuẩn tiết niệu do các vi khuẩn tiết ra men urease làm phân huỷ ure tạo thành amoniac, amoniac bị phân huỷ sẽ gây kiềm hoá nước tiểu từ đó dễ tạo thành sỏi. Sỏi do nhiễm khuẩn tạo nên thường là sỏi Struvit hoặc sỏi san hô. 

 

2. Triệu chứng viêm đường tiết niệu do sỏi:

Sỏi thận tiết niệu nhiễm trùng ngoài các triệu chứng thường gặp trong bệnh lý sỏi thận - sỏi tiết niệu như đau tức thắt lưng, tiểu không hết,... còn có một số triệu chứng điển hình khác như:

+ Triệu chứng toàn thân: 

 Sốt kèm rét run, có thể sốt cao 39 - 40 độ C trong trường hợp viêm cấp.

+ Triệu chứng cơ năng: 

  • Bất thường tiểu tiện: tiểu đau, tiểu buốt, mức độ đau nhiều hơn cơn đau do sỏi.  

  • Nước tiểu có màu bất thường: tiểu đục (đái mủ do viêm), tiểu máu thường xuất hiện kèm các cơn đau quặn, đau dữ dội. 

  • Dấu hiệu tắc nghẽn: Đái khó ngắt quãng, tắc, thận to ứ nước.

Nếu xuất hiện các biểu hiện trên, bạn nên sắp xếp đến bệnh viện để kiểm tra đường tiết niệu sớm để được chẩn đoán bệnh lý sớm và có hướng điều trị kịp thời.

3. Điều trị viêm đường tiết niệu do sỏi

Bệnh sỏi thận tiết niệu nhiễm trùng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhanh chóng thuyên giảm và khỏi hẳn. Trường hợp phát hiện muộn, tình trạng viêm nặng hoặc không tuân theo điều trị của bác sĩ, bệnh dễ tiến triển nặng hơn, trở thành mạn tính, gây nhiều biến chứng như teo thận, tăng huyết áp,...

+ Điều trị bằng kháng sinh:

Viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn bắt buộc phải dùng kháng sinh để điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Dựa vào kinh nghiệm và phân loại sơ bộ vi khuẩn gây viêm, bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh và liều dùng thích hợp. Trường hợp viêm nặng, dùng kháng sinh theo kinh nghiệm không đỡ cần làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh còn nhạy cảm với chủng vi khuẩn gây bệnh để điều trị. Các chủng vi khuẩn thường gây viêm tiết niệu là: vi khuẩn E.coli (60-70%), vi khuẩn Proteụs,...

Trong quá trình điều trị viêm đường tiết niệu do sỏi, bạn cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, uống đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian, không được bỏ thuốc giữa chừng, tránh làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Người bệnh khi có các dấu hiệu của viêm đường tiết niệu cần đến bệnh viện để khám và dùng thuốc theo đơn, không được tự ý mua thuốc để uống.

+ Điều trị triệu chứng:

Trường hợp bệnh nhân sốt cao dùng thêm thuốc hạ sốt; dùng thêm thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ  khi bị đau nhiều

+ Điều trị yếu tố nguy cơ:

Viêm đường tiết niệu do sỏi muốn điều trị dứt điểm cần loại bỏ sỏi, tránh để tình trạng viêm tái lại nhiều lần. Tùy vào kích thước sỏi, bạn có thể dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa để loại bỏ sỏi tiết niệu, sỏi thận.

Trong quá trình điều trị bạn cần chú ý uống nhiều nước ít nhất 2l - 2,5l nước mỗi ngày, vệ sinh đường tiết niệu sạch sẽ để hỗ trợ điều trị đạt kết quả tốt.