Sỏi san hô là loại sỏi khó điều trị nhất trong các loại sỏi thận, sỏi tiết niệu. Đa số các trường hợp sỏi san hô phát hiện ra bệnh khi sỏi đã lớn, gây khó nhiều trong điều trị. Vậy điều trị sỏi san hô như thế nào cho đúng? Dùng thuốc có loại bỏ hết được sỏi san hô không? Tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau.

 

1. Sỏi san hô là gì?

Sỏi thận, sỏi niệu quản là bệnh lý thường gặp trên đường tiết niệu. Sỏi thận được hình thành do sự lắng đọng các muối không tan trong nước tiểu, tích tụ lâu ngày gây nên. Dựa theo thành phần cấu tạo nên sỏi, sỏi thận được chia thành các loại chính như: sỏi canxi (80%), sỏi urate (10%), sỏi struvit (sỏi do nhiễm khuẩn),... 

Sỏi san hô là loại sỏi hỗn hợp, thường là sỏi hỗn hợp struvite - carbonate-apatite. Sỏi san hô thường hình thành trên cơ sở nhiễm khuẩn tiết niệu. Sỏi san hô có nhiều gai - nhánh nhỏ, len lỏi vào các đài thận. Do đó, sỏi san hô thường chiếm hết đài thận, rất khó bào mòn.

 

2. Sỏi san hô có nguy hiểm không?

Sỏi san hô hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Sỏi san hô thường phát triển âm thầm, không gây đau tức nhiều, nên khi người bệnh phát hiện bệnh sỏi đã lớn, choán gần hết các đài thận. Cũng như các loại sỏi khác, người bệnh bị sỏi san hô sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như: đau vùng thắt lưng, tiểu khó, đau buốt khi tiểu tiện, có thể tiểu ra máu. Các nhánh của  viên sỏi len lỏi vào từng đài thận nhỏ, nước tiểu sau khi hình thành không được đẩy hết từ đài thận vào bể thận. Nước tiểu ứ đọng lại nhiều tăng nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương tế bào thận, giảm chức năng thận.

Mặt khác, sỏi san hô rất khó điều trị, khiến chúng càng trở nên nguy hiểm hơn. Với các trường hợp sỏi san hô việc điều trị nội khoa (dùng thuốc) chỉ có tác dụng duy trì kích thước sỏi, bảo tồn sỏi không tăng kích thước. Một số trường hợp sau khi dùng thuốc thấy các triệu chứng đau tức thắt lưng giảm, tưởng sỏi đã giảm bớt, chủ quan không thăm khám thường xuyên khiến tình trạng sỏi ngày càng nặng hơn. Hầu hết các trường hợp sỏi tiến triển thành suy thận là do sỏi san hô.

 

3. Phương pháp điều trị sỏi san hô:

Sỏi san hô là loại sỏi hỗn tạp, nhiều nhánh nhỏ, rất khó điều trị. Điều trị nội khoa chỉ mang tính chất bảo tồn. Do đó, để điều trị triệt để sỏi san hô thì can thiệp ngoại khoa là cần thiết và bắt buộc. Nếu bạn không điều trị sớm, viên sỏi san hô nằm trong đài thận lâu ngày, gây ứ tắc lưu thông nước tiểu, lâu dần gây tổn thương tế bào thận, nặng có thể gây suy thận.

Trước đây, để điều trị sỏi san hô phương pháp phẫu thuật mở được coi là chỉ định đầu tay và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hiện nay nhờ tiến bộ của khoa học - kỹ thuật trong Y khoa, các phương pháp điều trị ít xâm lấn như tán sỏi, nội soi lấy sỏi được sử dụng rộng rãi hơn trong điều trị sỏi tiết niệu nói chung và sỏi san hô nói riêng.

  • Phẫu thuật mở: Phẫu thuật mở vẫn là phương pháp điều trị sỏi san hô phổ biến nhất hiện nay vì tỷ lệ sót sỏi sau phẫu thuật thấp. Tuy nhiên, phẫu thuật hở là biện pháp điều trị rất xâm lấn, người bệnh cần thời gian dài để hồi phục, không phải trường hợp bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng được.

  • Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da: So với phẫu thuật mở, phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể ít xâm lấn hơn, người bệnh nhanh hồi phục. Nhược điểm của phương pháp này là tỷ lệ sỏi sót lại sau tán cao, sỏi rất dễ tái lại, chỉ thực hiện được khi chức năng thận bình thường.

Dù điều trị sỏi san hô bằng phương pháp nào thì sau điều trị, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để phòng ngừa sỏi tái lại, thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sỏi sớm.