Đau là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất khi bị sỏi tiết niệu. Vì chỉ khi xuất hiện triệu chứng đau, người bệnh mới đi thăm khám và phát hiện ra có sỏi. Dưới đây là một số triệu chứng đau đặc trưng do sỏi tiết niệu để nhận biết và một số triệu chứng có ý nghĩa trong việc chẩn đoán sỏi.

 

Đau vùng thắt lưng

Cơn đau so sỏi thận thường xuất hiện ở vùng thắt lưng (vùng giữa cột sống xương sườn số 12), có thể đau một bên hoặc cả 2 bên hạ sườn, lan dần xuống dưới hố chậu, đùi, háng và vùng sinh dục. Thường đặc trưng bởi cơn  đau quặn thận hoặc đau âm ỉ mạn tính.

1.Cơn đau quặn thận

Cơ chế: khi có sỏi hình thành trong tiết niệu làm cho đường tiết niệu bị tắc gây tăng áp lực đột ngột lên đài bể thận, thận căng ra sẽ làm hệ thần kinh giao cảm bị kích thích, từ đó xuất hiện cơn đau quặn.

Biểu hiện: xuất hiện đột ngột, thường là sau khi vận động gắng sức. Đây là triệu chứng đặc trưng, ý nghĩa nhất  để chẩn đoán sỏi tiết niệu. Cơn đau bắt đầu từ vùng mạn sườn rồi lan ra trước và xuống dưới đùi, vùng bẹn, vùng sinh dục. Người bệnh đau dữ dội, lăn lộn, đổi tư thế không giảm đau và thường kéo dài vài phút đến vài tiếng. Nếu được nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn cơ, giảm đau thì đỡ đau. Khoảng 75% các cơn đau quặn thận đi kèm với đái ra máu, đái rắt, đái buốt, nước tiểu đục. Sau cơn đau đột ngột mà người bệnh đái ra cục máu hoặc nước tiểu màu hồng rất có giá trị trong chẩn đoán sỏi tiết niệu. Vì vậy, nếu bạn xuất hiện triệu chứng này, hãy nói với bác sĩ của bạn. Cơn đau quặn thận cũng thường đi kèm với các rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn, chướng bụng. Nguyên nhân của những triệu chứng này là do hệ thần kinh giao cảm ở đường ruột bị kích thích.

 

2.Đau âm ỉ mãn tính:

Nguyên nhân của cơn đau này thường do sỏi có kích thước quá lớn,  nằm im một chỗ ở bể thận hoặc do viêm đường tiết niệu. Biểu hiện: căng tức vùng mạn sườn thắt lưng hoặc hố thận, đau âm ỉ, kéo dài, đau tăng khi vận động gắng sức.

Đau vùng bàng quang (hạ vị)

1.Đau cấp tính: thường ít gặp, cơn đau cấp xuất hiện khi người bệnh bị bí đái. Nguyên nhân thường do sỏi ở bàng quang hoặc niệu đạo gây ứ nước trong bàng quang. Khi đó, cầu bang quang căng lên gây cơn đau cấp tính.

2.Đau mãn tính: thường gặp hơn cơn đau cấp, biểu hiện là đau âm ỉ vùng bàng quang kèm rối loạn tiểu tiện: đái buốt, đái rắt. Nguyên nhân dẫn đến đau mãn tính là do sỏi xuất hiện trong bàng quang.

 

Mặc dù, các triệu chứng đau do sỏi tiết niệu rất đặc trưng nhưng người bệnh vẫn thường dễ nhầm lẫn với cơn đau do ruột thừa, cơn đau dạ dày cấp tính, đau quặn gan do sỏi mật,…Do vậy, khi thấy xuất hiện cơn đau ở vùng lưng, bạn nên đi thăm khám để có chẩn đoán chính xác nhất, từ đó có phương pháp điều trị bệnh phù hợp.