Mắc sỏi thận trong thời kỳ mang thai tuy không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, nhưng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ đáng lo ngại như: đau, nguy cơ tắc nghẽn đường niệu, nhiễm khuẩn, chuyển dạ sớm,...

 

Đau do sỏi thận

Đau là triệu chứng phổ biến và xuất hiện sớm ở tất cả bệnh nhân bị sỏi thận. Ở phụ nữ mang thai, mức độ đau thay đổi theo kích thước thai nhi và kích thước sỏi. Càng về cuối thai kỳ, thai nhi càng lớn gây chèn ép lên niệu quản, làm ứ nước ở thận nhiều hơn, đau tăng lên, đặc biệt tại vùng có sỏi.

 

 

Đau do sỏi thận ở phụ nữ mang thai

 

Tắc nghẽn đường niệu

Trường hợp sỏi nhỏ và nằm ở thận sẽ ít ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, nếu sỏi theo dòng nước tiểu xuống niệu quản sẽ dễ bị mắc lại, gây tắc nghẽn, đái buốt, tiểu khó và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Sỏi làm tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu, gây ứ đọng nước tiểu gây đau nặng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn gây chuyển dạ sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và thai nhi.

 

Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn

Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn là biến chứng nguy hiểm nhất đối với mẹ và thai nhi khi mắc sỏi thận. Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn do sỏi thận làm thay đổi áp lực máu lên bao thai, trường hợp nặng có thể gây nhiễm trùng nước ối ảnh hưởng trực tiếp lên thai nhi. Nhiễm trùng thận trong thai kỳ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm, sinh non, gây nguy hiểm cho mẹ mà và thai nhi.

 

Chuyển dạ sớm

Nguy cơ chuyển dạ sớm rất ít khi xảy ra, nhưng nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, có thể đe dọa đến tính mạng.

 

 

 Chuyển dạ sớm – biến chứng nguy hiểm do sỏi thận trong thai kỳ

Phụ nữ mang thai có nhu cầu canxi của cơ thể cao hơn người bình thường, vì vậy họ phải sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung canxi khác ngoài thức ăn, làm cho nồng độ canxi trong máu và nước tiểu tăng cao. Đây là một yếu tố nguy cơ có thể làm nặng thêm tình trạng sỏi thận ở thai phụ. Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm của sỏi thận có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai, thai phụ mắc sỏi thận cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ, bổ sung canxi theo đúng liều bác sĩ kê, không nên tự ý sử dụng thuốc bổ sung canxi bên ngoài.

Sỏi thận trong thai kỳ thường xuất hiện trên người đã có tiền sử bệnh này. Do đó, chị em đã có tiền sử sỏi thận cần đi chụp X-quang trước khi có dự định mang thai. Trong trường hợp phát hiện có sỏi thận, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được điều trị trước khi mang thai, tránh những rủi ro trong thai kỳ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh sỏi tiết niệu, PSG.TS. Trần Văn Hinh

2. Cẩm nang bệnh sỏi thận: Phương pháp phòng và điều trị bệnh sỏi thận, Bác sĩ CKII.Hoàng Đình Lân - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.