Tán sỏi là gì?
Tán sỏi là kỹ thuật được can thiệp nhằm phá vỡ các viên sỏi rồi đưa sỏi ra ngoài. So với điều trị nội khoa, thì tán sỏi là phương pháp điều trị ngoại khoa sử dụng các thiết bị phức tạp, kỹ thuật cao nên chi phí cao hơn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp sỏi có kích thước to, phức tạp, bệnh nhân vẫn được khuyên là nên tán sỏi.
Tán sỏi áp dụng cho những trường hợp nào?
Không phải trường hợp sỏi thận nào cũng phải thực hiện tán sỏi mà thông qua các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, đánh giá chức năng thận, chỉ số cơ thể, tình trạng sức khỏe mà bác sĩ chỉ định bệnh nhân có nên tán sỏi hay không. Tán sỏi thường được thực hiện với những trường hợp sau:
- Với những viên sỏi trên 15mm
- Sỏi niệu quản từ 6-25mm
- Sỏi niệu quản dưới 5mm nhưng điều trị nội khoa trong 1 tuần không cải thiện
- Sỏi trên polyp hoặc ở vị trí hẹp niệu quản, vị trí sa lồi niệu quản.
3 phương pháp tán sỏi phổ biến
1.Tán sỏi ngoài cơ thể
Đây là phương pháp sử dụng laser hoặc sóng xung động từ một hệ thống từ ngoài cơ thể, truyền vào vùng có sỏi thận, hội tụ tại sỏi làm vỡ sỏi theo hai cơ chế: lực kéo và nén. Phương pháp tán sỏi này ưu tiên cho sỏi niệu quản 1/3 trên và dưới, sỏi thận bé hơn 2cm. Hiệu quả trung bình khi tán sỏi ngoài cơ thể là 81%. Tuy nhiên, đối với các sỏi rắn, sỏi cystin, sỏi lớn hơn 2cm thì hiệu quả tán lại kém hơn hoặc không hiệu quả, dễ tái lại sỏi.
2.Tán sỏi qua nội soi niệu quản
Ở kỹ thuật này, một ống soi đi từ niệu đạo, đi qua bàng quang rồi lên niệu quản được đặt để tiếp cận với viên sỏi tại niệu quản. Sau đó nhờ năng lượng từ tia laser hoặc khí nén để làm vỡ nhỏ sỏi rồi bơm rửa và gắp sỏi ra ngoài. Đây là phương pháp tiên tiến được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm 2 phương pháp: phương pháp sử dụng ống soi mềm; phương pháp sử dụng ống soi bán cứng hoặc cứng. Tán sỏi bằng nội soi có thể áp dụng cho sỏi trên 2cm, sỏi san hô nhưng đối với bệnh nhân đang viêm nhiễm đường niệu hoặc hẹp đường niệu thì không thực hiện được.
3.Tán sỏi qua da
Để thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da, bệnh nhân được tạo một đường hầm 6-10mm từ ngoài da, qua thận để vào vị trí sỏi. Sau đó, dùng năng lượng từ laser để phá sỏi rồi hút sỏi ra ngoài. Kỹ thuật này ưu tiên cho sỏi có kết hợp, phức tạp, bệnh nhân bị hẹp đường niệu và áp dụng trong các trường hợp sỏi đài thận, sỏi bể thận. Tán sỏi qua da hiệu quả lên đến 100% kể cả đối với sỏi to. Tuy nhiên, việc tạo đường hầm từ ngoài da vào thận có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau mổ hoặc gây mất máu, để lại sẹo.
Tán sỏi là phương pháp điều trị ngoại khoa mang lại hiệu quả trong điều trị sỏi thận và áp dụng trong những trường hợp nhất định. Vì vậy, người bệnh cần thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định chọn kỹ thuật tán sỏi nào. Mỗi phương pháp thì có những ưu điểm và nguy cơ khác nhau.
Tham khảo thêm: http://duoclieuviet.com.vn/bien-chung-nguy-hiem-co-the-gap-sau-tan-soi-qua-da