Ăn mặn, uống ít nước hay nhịn tiểu,… đều là những thói quen người bị sỏi thận nên tránh. Nếu các thói quen này tiếp tục diễn ra có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh, thất bại trong điều trị sỏi thận.

 

1. Nhịn đi tiểu

Người bị sỏi thận thường có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, khiến người bệnh có cảm giác ngại đi tiểu và nhịn tiểu tiện. Việc nhịn tiểu làm tăng lượng nước tiểu tồn đọng trong đường niệu, các chất thải được lưu trữ trong cơ thể lâu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nhiễm đường tiết niệu. Nồng độ muối khoáng lắng đọng trong thận tăng làm tăng kích thước sỏi, hình thành sỏi mới, làm nặng hơn tình trạng bệnh hiện tại.

 

2. Lười vận động

Việc ngồi lâu một chỗ, lười vận động không chỉ làm cơ thể trì trệ, tinh thần uể oải mà còn ảnh hưởng đến chức năng thận. Ít vận động khiến tuần hoàn lưu thông kém, máu đến thận cũng bị ảnh hưởng, làm cho chức năng lọc và đào thải chất cặn bã của thận bị suy giảm, làm tăng nguy cơ ứ đọng chất thải, yếu tố tạo sỏi như canxi, oxalat, axit uric,... làm nặng thêm tình trạng sỏi hiện có.

 

 

Lười vận động – một trong những việc người sỏi thận nên tránh

 

3. Ăn mặn

Vì sao bệnh nhân sỏi thận không nên ăn mặn?

Muối là gia vị không thể thiếu trong các món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều muối sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Ở nồng độ cao, ion Natri trong muối làm cản trở quá trình đào thải canxi, axit uric, oxalat,... làm nồng độ các chất này tăng cao trong nước tiểu, dễ hình thành sỏi mới, tăng kích thước các sỏi sẵn có ở người bị sỏi thận.

Việc ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý huyết áp, tim mạch. Do vậy, người bị sỏi thận nên tránh ăn mặn, hạn chế lượng muối ăn đưa vào khoảng 2.5g/ngày.

 

4. Uống ít nước

Uống ít nước là một trong những nguy cơ gây sỏi thận và cũng là yếu tố làm nặng thêm tình trạng sỏi của người bệnh. Việc uống ít nước có thể do thói quen hoặc do yếu tố tâm lý tác động (sỏi thận gây đau buốt khi tiểu tiện làm người bệnh ngại đi tiểu, nên lười uống nước). Cơ thể không được cung cấp đủ nước sẽ khiến việc đào thải chất cặn bã, bào mòn sỏi diễn ra khó khăn hơn, đồng thời còn làm cô đặc các chất thải tăng khả năng hình thành sỏi mới, sỏi cũ phát triển to hơn. Chúng ta cần bổ sung đủ 1.5l -2l nước mỗi ngày đặc biệt đối với bệnh nhân sỏi thận.

 

5. Sử dụng quá nhiều sản phẩm bổ sung canxi

 

 

Lạm dụng chế phẩm bổ sung canxi làm nặng thêm tình trạng sỏi thận

 

Trong các loại sỏi thận, sỏi canxi là phổ biến nhất. Bệnh lý sỏi thận rất phổ biến ở độ tuổi trung niên. Nhưng ở độ tuổi này, người bệnh còn phải đối diện với một mối lo ngại khác, đó là tình trạng loãng xương. Người bệnh thường sử dụng các sản phẩm bổ sung canxi kết hợp vitamin D để tăng cường sức khỏe xương. Việc lạm dụng các chế phẩm bổ sung canxi (đường uống) làm tăng lượng canxi trong máu và nước tiểu, làm tăng khả năng kết hợp giữa canxi và oxalat tạo sỏi tại thận. Vì vậy làm nặng hơn tình trạng bệnh sỏi thận hiện có.

Giải pháp cho người sỏi thận muốn phòng ngừa loãng xương chính là bổ sung canxi qua thực phẩm ăn uống hằng ngày, thay vì sử dụng các chế phẩm dạng uống (thuốc, thực phẩm chức năng).

 

Như vậy, bệnh nhân sỏi thận không chỉ cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ mà còn phải có chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý để nhanh chóng xử lý triệt để căn bệnh này.